Tài sản của Chủ tịch Evergrande Hui Ka Yan đã giảm 98% so với đỉnh năm 2017, khi Evergrande lún sâu trong nợ nần.
Theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index, tài sản của Hui Ka Yan – Chủ tịch hãng bất động sản China Evergrande Group (Trung Quốc) hiện chỉ còn 979 triệu USD. Nguyên nhân là cổ phiếu hãng này đã giảm 86% kể từ khi được giao dịch trở lại cuối tháng 8.
Hui từng là người giàu nhì Trung Quốc năm 2017, với 42 tỷ USD. Như vậy, tài sản của ông hiện đã giảm tới 98%.
Ông còn đang bị giới chức Trung Quốc điều tra vì “tình nghi có các hành vi phạm pháp”, theo thông báo của Evergrande cuối tháng trước. Đây là lần đầu tiên giới chức Trung Quốc buộc Hui chịu trách nhiệm về tình hình tài chính của Evergrande.
Hui sinh năm 1958 tại một thị trấn nông thôn ở Hà Nam (Trung Quốc). Cũng như nhiều tỷ phú nước này, sự nghiệp của ông phản ánh quá trình chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc từ thập niên 80.
Hui từng phải lái máy kéo và làm việc trong nhà máy xi măng trước khi vào học tại Học viện Gang thép Vũ Hán. Sau khi tốt nghiệp và làm việc một thời gian tại Công ty Sắt thép Wuyang, ông thành lập Evergrande năm 1996.
Quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc giúp Evergrande tăng trưởng chóng mặt. Suốt vài thập kỷ, họ mạnh tay đi vay và mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, như xe điện, thể thao.
Tuy nhiên, đến năm 2021, Evergrande và các hãng địa ốc khác tại Trung Quốc rơi vào khủng hoảng. Nguyên nhân được cho là chính sách “ba lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh, được tung ra nhằm giảm rủi ro hệ thống bằng cách hạn chế khả năng vay mới của các công ty bất động sản.
Từng là hãng bất động sản hàng đầu Trung Quốc, Evergrande giờ chỉ được biết đến là công ty nặng nợ nhất thế giới, với hơn 300 tỷ USD. Năm 2021, Hui từng bị giới chức Trung Quốc thúc giục bỏ tiền túi để trả nợ cho công ty.
Ông đã phải bán cổ phiếu công ty và tài sản cá nhân, trong đó có cả tác phẩm nghệ thuật, thư pháp, khi chính phủ Trung Quốc từ chối cứu trợ Evergrande. Năm ngoái, Hui được cho là bán thêm biệt thự trị giá hơn 200 triệu USD tại London (Anh).
Việc chủ tịch bị điều tra khiến kế hoạch tái cấu trúc của Evergrande càng thêm bế tắc. Nếu không thể tái cấu trúc nợ, Evergrande có thể bị buộc thanh lý tài sản. Ngày 30/10, một tòa án tại Hong Kong sẽ đưa ra quyết định về việc này.
Hà Thu (theo Reuters, Financial Times)