T3, 10 / 2023 9:25 sáng | new-pearl-land-2

Sắc lệnh trí tuệ nhân tạo tạo tiền đề cho Chính phủ Mỹ định hướng sự phát triển và kiểm soát các rủi ro từ AI.

Tổng thống Mỹ Joe Biden vào hôm thứ Hai đã ký một sắc lệnh hành pháp toàn diện đầu tiên trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm định hướng sự phát triển cũng như kiểm soát rủi ro từ ngành công nghiệp mới nổi này.

Sắc lệnh này bao gồm các hành động mới, tập trung vào các lĩnh vực như tiêu chuẩn an toàn, quyền riêng tư, các biện pháp bảo vệ người dùng, quyền của người lao động và các yêu cầu dành cho các cơ quan liên bang trong việc quản lý công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Việc ban hành sắc lệnh thể hiện nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc tận dụng tối đa công nghệ và hạn chế các mối nguy hiểm từ AI, vốn luôn là nỗi bận tâm sâu sắc của ông Biden vì những tác động tiềm tàng của nó tới nền kinh tế và an ninh quốc gia.

Sắc lệnh được xây dựng dựa trên các cam kết tự nguyện của một loạt các công ty công nghệ hàng đầu. Theo lệnh mới này, các công ty công nghệ phát triển các mô hình AI có thể gây rủi ro lớn tới an ninh quốc gia, kinh tế, hoặc y tế công cộng phải báo cáo với chính phủ liên bang về quá trình và kết quả tất cả các cuộc kiểm tra an toàn. Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ xây dựng hướng dẫn về xác thực nội dung và làm mờ các nội dung được tạo bởi AI.

Lệnh cũng cũng quy định các nguyên tắc và biện pháp giảm thiểu tối đa tác động cũng như tối ưu lợi tích của AI cho người lao động bằng cách giải quyết các vấn đề như công việc bị thay thế, tiêu chuẩn lao động và thu thập dữ liệu. Đáng chú ý, nó cũng tạo điều kiện cho lao động nhập cư và không định cư có tay nghề cao và chuyên môn trong lĩnh vực này được học tập, sinh sống và làm việc tại Mỹ thông qua việc cắt giảm điều kiện visa và phỏng vấn.

Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Bruce Reed gọi đây là hành động mạnh mẽ nhất mà chưa từng có bât kỳ chính phủ nào trên thế giới thực hiện đối với an toàn, bảo mật và niềm tin trong lĩnh vực AI.

Sắc lệnh này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều nỗ lực xây dựng luật mới, tiến hành các cuộc điều tra bảo vệ người tiêu dùng và hợp tác với các cơ quan quản lý quốc tế để hạn chế rủi ro của AI. Hành động này sẽ có ý nghĩa rộng lớn đối với hầu hết cơ quan trong chính phủ liên bang, cùng với một loạt công ty ở Thung lũng Silicon đang chạy đua xây dựng các hệ thống AI tiên tiến.

Động thái này cũng giúp Mỹ có những cơ sở pháp lý rõ ràng để phát triển công nghệ, khẳng định vị thế tiên phong và dẫn đầu mà trước nay vẫn luôn tự hào.

Tham khảo: AP

Yến Nguyễn

Nhịp sống Thị trường

Bài viết cùng chuyên mục